Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Cty cam kết sẽ bồi thường nếu gây ô nhiễm

Cá chết hàng loạt tại các đầm thủy sản của người dân quanh khu vực.

Cá chết hàng loạt

Theo phản ánh của người dân, gần đây, trên địa bàn Hải Phòng xảy ra mưa lớn liên tục nên lượng nước thải bao quanh bãi xả thải Gyps của Cty DAP tràn qua bể xả thải, qua 3 hồ điều hòa của Cty này rồi tràn ra khu vực cửa biển. Lượng nước thải này sau đó quay ngược lại, tràn vào một số đầm nuôi trồng thủy sản của người dân làm tôm, cua, cá của người dân chết hàng loạt.

Anh Nguyễn Văn Thủy - ở khu 1 Nam Hải, quận Hải An - cho biết: “Gia đình tôi có 30ha nuôi trồng thủy sản ở khu vực Đình Vũ. Trước đây, mỗi năm gia đình tôi thu hoạch hàng tỉ đồng từ các đầm này. Từ khi Cty DAP xây nhà máy sản xuất phân bón tại đây, nước thải từ “núi” bã thải Gyps của nhà máy này chảy ra, ngấm vào nguồn nước cửa biển rồi tràn vào đầm của chúng tôi. Từ ngày nhà máy này hoạt động, sản lượng thủy, hải sản thu được chỉ bằng 1/5 thời điểm trước đây. Đầu tháng 2.2013, tôi đầu tư 200 triệu đồng mua con giống, thả nuôi trên diện tích 30ha đầm...”.

Anh Thủy cũng khẳng định đây không phải lần đầu tiên người dân khu vực phản ánh về tình trạng Cty DAP xả thải ra môi trường, gây chết hải sản của người dân.

Công ty hứa đền

Sáng 29.7, trao đổi với PV về vụ việc, ông Nguyễn Văn Phiên – Phó Tổng giám đốc Cty DAP - cho biết: Có hơn 20 người dân đến công ty phản ánh rằng họ bị ảnh hưởng vì nước của nhà máy xả ra môi trường. Chúng tôi đã mời đại diện bà con vào làm việc, thành lập một đoàn kiểm tra với thành phần là các phòng, ban, của công ty và đại diện người dân đi kiểm tra thực tế. Qua kiểm tra, có phát hiện hiện tượng cá chết nhưng không nhiều, chúng tôi sẽ lấy mẫu xét nghiệm gửi các cơ quan chức năng.

Ông Phiên cũng thừa nhận, trước đây cũng đã từng xảy ra hiện tượng này, và Cty cũng đã đưa ra hai phương án: Một là đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc, lấy mẫu xét nghiệm, nếu khẳng định nhà máy gây ô nhiễm môi trường thì Cty sẽ bồi thường; phương án hai, Cty hỗ trợ các chủ đầm một số tiền. Các chủ đầm đã chọn phương án hỗ trợ. Những lần trước, trung bình mỗi hộ được hỗ trợ khoảng 5 - 7 triệu đồng, hộ nhiều được chục triệu.

Ông Phiên cho rằng, đây là vụ việc bất khả kháng vì thời tiết mấy ngày qua tại Hải Phòng xảy ra mưa lớn trên diện rộng, có thể xảy ra hiện tượng tràn nước qua hệ thống bờ bao đê bảo vệ. Chúng tôi sẽ bàn bạc với người dân để có phương án hỗ trợ một phần thiệt hại của bà con”.

Trả lời PV về quy trình xử lý chất thải rắn ở Cty DAP, ông Nguyễn Văn Sinh – Tổng giám đốc Cty DAP - khẳng định: Do đặc thù sản xuất của công ty sản sinh ra một lượng bã thải gyps khá lớn. Theo quy hoạch, TP.Hải Phòng dành cho Cty 43ha để làm khu chứa bã thải Gyps.

Hiện tại Cty đã sử dụng 10ha để làm bãi chứa Gyps. Toàn bộ nền âm và bờ bao của bãi thải này được bảo vệ bằng màng bảo vệ HDPE. Diện tích còn lại là các hồ điều hòa bao quanh khu vực bã thải Gyps. Lượng nước bao quanh bãi bã thải này được bơm tuần hoàn vào khu bể chứa nên không có chuyện nước thải từ bãi Gyps thải trực tiếp ra ngoài. Lượng nước tràn vào đầm nuôi trồng thủy sản của bà con (nếu đúng như phản ánh) là nước mưa do mấy ngày vừa qua mưa quá lớn nên tràn qua khu xử lý.

Mặc dù vậy, nếu tràn qua khu xử lý thì lượng nước này sẽ tràn lần lượt ra 4 hồ điều hòa của công ty. Trong những ngày qua, vì hồ điều hòa thứ 4 (hồ giáp biển) do bờ kè nhỏ, bị sóng đánh nên có thể một phần nước này tràn ra cửa biển. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đầu tư xây bờ kè chắc chắn để không xảy ra tình trạng nước tràn ra cửa biển, bảo vệ môi trường”.

Thực tế tại hiện trường cho thấy, tại hồ thứ 4, nhiều lần sóng biển đánh vỡ bờ, khiến nước biển tràn vào và khi thủy triều rút, đã kéo theo phần nước ở trong các hồ ra biển, tràn vào các đầm nuôi thủy sản, dẫn đến hiện tượng cá chết.