| Nhà sản xuất phim Hà Thục Vân | Chị đã kết nối cho 4 phim tài liệu (PTL) VN lần đầu tiên được chiếu trên Discovery. Nhưng sau đó thì không một PTL nào VN lọt vào “mắt xanh” của Discovery nữa. Vì sao?
- Chuyện 4 phim được phát trên Discovery trong dự án “Lần đầu tiên làm phim với Discovery” là trường hợp đặc biệt với sự tài trợ của quỹ Ford - nó như cơ hội hiếm hoi không có lần thứ hai. Mới đây, trong hội thảo “Trao đổi chia sẻ kinh nghiệm sản xuất truyền hình trong xu hướng phát triển quốc tế” tổ chức tại Hà Nội, ông Vikram Channa – Phó Chủ tịch kênh Discovery Châu Á – Thái Bình Dương - tỏ ý muốn phim VN xuất hiện thêm trên Discovery.
Để phát sóng phim trên kênh này, ngoài những tiêu chí về chuyên môn thì phải có nguồn tài trợ, giờ đây thì không có nguồn tài trợ của quỹ Ford nữa, nhưng tôi nghĩ, trong ngân sách của Bộ VHTTDL hẳn đều có ngân sách quảng bá cho phim du lịch. Nếu bỏ ra 200.000USD có thể làm 4-5 PTL để quảng bá phát sóng trên Discovery thì “đáng đồng tiền bát gạo” lắm chứ. Và nếu được, Red Bridge cũng sẽ tiếp tục đóng vai trò làm cầu nối cho PTL VN đến với Discovery.
“Đầu ra” của PTL VN là bài toán khó. In đĩa DVD, quảng bá và bán phim trên mạng và đưa phim vào các trường học - các giải pháp đó có vẻ như các nhà làm PTL không mặn mà, hay bởi vì họ thiếu tự tin vào bản thân?
- Hãng PTL và Khoa học T.Ư theo cơ chế Nhà nước, nên chiếu nhiều PTL hay và miễn phí. Nhưng nếu tôi có rạp như thế thì sẽ bán vé thu tiền những phim hay. Rồi làm việc với Cty phát hành phim Megastar để họ hỗ trợ khung giờ tốt để chiếu những PTL đi vào những vấn đề nóng của xã hội. Nhiều người làm PTL độc lập kêu làm phim không tìm được tài trợ thì đây, Cty Red Bridge sẵn sàng chấp nhận bỏ tiền ra làm phim. Các bạn ai có kịch bản hay, sao không gửi cho tôi?
Đã có sự xuất hiện của một thế hệ các bạn trẻ làm PTL tại các dự án “Chúng ta cùng làm phim” của Trung tâm Hỗ trợ phát triển điện ảnh Việt (TPD), trung tâm phim thể nghiệm Doclab, tiệc phim trực tuyến Yxine... Chị có nhận xét gì về điểm mạnh, điểm yếu của các bạn trẻ?
- Doclab làm phim thể nghiệm, theo một định hướng khác. Các bạn trẻ làm phim ở TPD tranh giải “Búp sen vàng” có nhiều ý tưởng phim hay, nhưng cách thể hiện chưa ổn. Máy quay không chuyên nghiệp. Một người kiêm nhiệm quá nhiều: Có khi vừa làm âm thanh, vừa quay phim, vừa làm đạo diễn, vì thế hình ảnh chưa đạt, âm thanh không rõ, dẫn đến cảm giác “rất phí” khi xem phim. Ánh sáng trong PTL không dàn dựng kỹ như phim truyện, nhưng vẫn phải biết tìm những khu vực ánh sáng tốt để tạo thẩm mỹ chứ không thể tùy tiện.
Có một vài phim ổn, nhưng câu chuyện lại yếu, không mang tính đại chúng để xã hội quan tâm. Những chủ đề lớn như biến đổi khí hậu, an ninh trong thành phố chưa thấy được đề cập. Bệnh người trẻ là làm theo cảm tính, thiếu lộ trình bài bản, theo chuẩn mực quốc tế. Vì thế hãy tự hoàn thiện mình, phải có kỷ luật làm phim để có bộ phim hay, có tính xã hội, nhân văn, mà hấp dẫn để hấp dẫn khán giả.
Mới đây, trong chiến lược phát triển ngành điện ảnh VN có nhấn mạnh vấn đề nhân lực, với mô hình sản xuất phim, lấy nhà sản xuất làm trung tâm. Chị có ý gì về việc này?
- Nguồn nhân lực trong điện ảnh VN hiện chỉ mạnh ở quay phim và một số ít đạo diễn. Một số nghệ sĩ lo việc chạy theo dự án kiếm tiền nhanh mà chưa thấy việc giao lưu với bạn bè quốc tế, việc tìm kiếm cơ hội cho mình, thậm chí ngay trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là hết sức quan trọng. Một số nghệ sĩ trẻ kỹ thuật còn yếu, chỉ mạnh về cảm nhận, trong khi kỹ thuật và cảm xúc phải song song, thì mới ngang hàng quốc tế. Chúng ta cũng thiếu nhiều người dựng phim giỏi, trong khi dựng phim tác động lớn đến thành bại của bộ phim.
Hiện Cty của chị đang thực hiện những dự án nào?
- Cty đang là đồng sản xuất một dự án phim làm về lúa gạo với Malaysia và cũng đang xin Cục Điện ảnh cấp phép làm một phim truyện truyền hình về chủ đề tình yêu với Malaysia. Rồi một PTL về kiếm Nhật, nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản... Ngoài ra, Red Bridge cũng phối hợp hỗ trợ cuộc thi viết kịch bản về Thông điệp truyền thông, tập trung về chủ đề vi phạm bản quyền phim với hình thức nội dung giải trí.
|