Năm 2012 và nửa đầu năm 2013, giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh sao cho phù hợp với giá xăng dầu thế giới và “giúp” các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu trong nước tránh khỏi bị “lỗ”. Khi giá xăng thế giới tăng thì giá xăng trong nước cũng tăng theo. Nhưng ngược lại, khi giá xăng thế giới giảm thì giá xăng trong nước lại không có nhiều điều chỉnh, các DN kinh doanh không “đả động” gì đến việc giảm giá theo thị trường thế giới, để chia sẻ bớt khó khăn cho người dân. Thời gian tới, nếu giá thế giới tiếp tục giảm mà giá xăng dầu trong nước vẫn “đứng im” thì có thể sẽ “khoét sâu” thêm vào sự nghi ngờ và mất lòng tin của người dân trong việc điều hành và quản lý giá xăng dầu của liên Bộ Tài chính và Bộ Công Thương. Giảm giá xăng sẽ tháo gỡ bớt khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Tuấn Theo anh Hùng, ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, giá cả trong nước bao giờ cũng giảm chậm hơn so với thế giới. Đó dường như là một quy luật không chỉ xăng dầu mà của cả vàng miếng nữa. Xu hướng tăng nhanh và tăng nhiều, giảm chậm và giảm ít là vấn đề “cố hữu” của hàng hóa nước ta. Điều này cho thấy, việc quản lý và điều hành giá còn khá nhiều vấn đề, không được “nhanh nhạy” và thông suốt. “Nếu các cơ quan chức năng quản lý tốt về giá thì sẽ không có chuyện các DN cứ “lờ” đi mỗi khi giá giảm và “kêu gào” mỗi khi giá tăng. Chung quy chỉ mỗi người dân là chịu thiệt, dù giá tăng hay giảm”, anh Hùng chia sẻ. Nhận định về vấn đề này, anh Hoàng Giang, giảng viên kinh tế một trường ĐH tại Hà Nội cho biết, xăng dầu là nhiên liệu dùng để sản xuất, nằm trong chi phí đầu vào của phần lớn DN, đặc biệt là các DN kinh doanh vận tải. Chi phí sản xuất tăng dẫn đến giá cả hàng hóa tăng theo là điều hiển nhiên, người dân sẽ phải chịu chi phí tăng thêm đó. Thực tế đó đã diễn ra trong suốt thời gian qua. Cho nên, việc điều chỉnh giá xăng dầu tăng, giảm là rất “nhạy cảm”, đóng vai trò khá quan trọng đối với DN. Nếu giá xăng được điều chỉnh giảm sẽ không chỉ tháo gỡ bớt những khó khăn cho các DN mà còn giảm được “gánh nặng” cho người dân. Trong khi Nhà nước và Chính phủ đang tập trung vào vấn đề an sinh xã hội, hỗ trợ và giúp đỡ cuộc sống của người dân thì một số mặt hàng lại chưa nhận được nhiều sự quan tâm, trong đó có xăng dầu. Hiện tại, giá bán xăng dầu mới chỉ dựa trên cân chi phí đầu vào của DN chứ chưa hề quan tâm hay dựa vào mức thu nhập bình quân của người dân. Chi phí dành cho xăng dầu chiếm bao nhiêu tỷ lệ trong chi phí sinh hoạt cũng như thu nhập của người dân, đó là câu hỏi dành cho các nhà quản lý. Theo thống kê, từ đầu năm 2013 đến nay, xăng dầu vẫn luôn “trồi sụp” khiến các DN và người tiêu dùng cảm thấy “bất an”. Mới chỉ 7 tháng trôi qua, nhưng xăng dầu đã 7 lần được điều chỉnh, trong đó có 4 lần tăng giá và 3 lần giảm giá, cụ thể: Ngày 28-3, giá xăng “bật tăng” kỷ lục với mức tăng 1.430 đồng/lít. Điều này khiến giá xăng bán lẻ trong nước được đẩy lên mức 24.580 đồng/lít. Ngày 9-4, giá xăng hạ nhiệt 500 đồng/lít. Ngày 18-4, giá xăng tiếp tục giảm 410 đồng/lít và lần giảm cuối cùng là ngày 26-4 với mức 310 đồng/lít. Sau 3 lần giảm liên tiếp, giá xăng đã tăng trở lại, ngày 14-6, giá xăng tăng thêm 426 đồng/lít. Chưa dừng ở đó, chỉ 2 tuần sau (ngày 28-6), giá xăng lại tiếp tục được phép tăng thêm 367 đồng/lít. Và mới đây, ngày 17-7, giá xăng dầu lại được điều chỉnh tăng thêm 468 đồng/lít. Như vậy, nửa đầu năm 2013, giá xăng đã đã tăng 2.691 đồng/lít. Trong khi đó, mức giảm tổng cộng trong 3 lần chỉ là 1.220 đồng/lít. So với cuối năm 2012, giá xăng đang cao hơn 1.4171 đồng/lít. Hiện, giá xăng RON 92 đang được bán trên thị trường với giá 24.578 đồng/lít, giá dầu Diezel 0,05S là 22.310 đồng/lít, giá bán dầu hỏa là 22.026 đồng/lít và giá dầu mazut là 18.770 đồng/lít. Có thể thấy, câu chuyện về kinh doanh xăng dầu, một ngành kinh doanh mang tính độc quyền ở nước ta, vẫn còn nhiều “nổi cộm” và gây nhiều tranh cãi, nhất là xung quanh việc điều hành và quản lý giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Liệu những khoản lỗ từ trước đến nay mà các DN xăng dầu luôn đưa ra mỗi khi đòi tăng giá có thực sự đúng? Đây vẫn là nỗi băn khoăn và gây “hoài nghi” đối với người tiêu dùng về cung cách trong việc quản lý và điều hành thị trường xăng dầu. Đặc biệt là vào thời điểm này, khi mà giá xăng dầu thế giới đang giảm nhưng các DN xăng dầu vẫn “lặng im”. Thử hỏi, ngành xăng dầu nói chung và các lãnh đạo ngành xăng dầu nói riêng khi nhận những khoản lương “khủng” có nghĩ đến việc chia sẻ “gánh nặng” về giá cả đối với những người dân? Kinh tế thì vẫn chưa vượt qua được hết khó khăn, trong khi đó “lòng tin” của người dân cũng đang bị “thui chột” dần. Trong những ngày tới, liên Bộ Tài chính và Bộ Công Thương sẽ có những động thái ra sao đối với ngành xăng dầu...? Đây là điều đang được người dân “ngóng trông”.
|